Paulo Thành Nguyễn

Những điều tôi nghĩ…

Chúng ta chọn màu gì?

Bình luận về bài viết này

page

Còn nhớ cuộc biểu tình chống Tàu 2011 của người Việt ở Hải Ngoại đã khơi lại mâu thuẫn về màu cờ Tổ Quốc. Điều này đã chia rẽ nhóm biểu tình thành hai phe: Một bên cầm cờ vàng ba sọc đỏ (cờ chế độ cũ) và một bên cầm cờ đỏ sao vàng(cờ chế độ mới). Bên nào cũng gắn cho nó một ý nghĩa riêng để tự hào lá cờ mình đang cầm là đại diện cho Việt Nam. Sự việc không chỉ dừng lại ở biểu tượng lá cờ, nó đi xa hơn nữa là màu sắc.

Nhiều người bây giờ không thích màu đỏ, cách nghĩ đơn giản vì nó là màu của máu, lại là màu đại diện cho một chủ nghĩa đã sản sinh ra những chế độ độc tài, chế độ diệt chủng. Một chủ nghĩa mà đa số các nước trên thế giới đã tẩy chay- chủ nghĩa cộng sản.

Số khác yêu thích màu vàng, vì nó là đại diện một thời của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chế độ của thịnh vượng và tự do ngắn ngủi ở miền nam Việt Nam. Dễ thương hơn, màu vàng còn mang ý nghĩa là màu da của người Việt.

Ngày 09/12 vừa qua, người thanh niên giơ cao cờ đỏ, châm ngòi cho cuộc biểu tình chống Tàu ngắn ngủi trước nhà hát Thành phố. Thông tin anh bị bắt sau đó được dư luận chia sẻ nhưng không ít người đã mỉa mai, chỉ trích lá cờ đỏ mà anh mang theo, thậm chí là chụp mũ luôn anh là “hàng gài” bên chính quyền.

Người Việt vốn không có tinh thần đoàn kết bởi chiều dài lịch sử chiến tranh, địa lý, tôn giáo…Thì nay còn chia rẽ sâu sắc hơn trong việc yêu-ghét màu sắc nào. Có phải vì điều này mà bức tranh Việt Nam chỉ còn lại những gam tối –sáng tạo nên những không gian mờ ảo?

Trong cuốn sách  “ Six thinking hats” (6 chiếc nón tư duy) của Edward de Bono trình bày phương pháp tư duy dựa trên 6 màu sắc đại diện cho 6 hướng tư duy dưới hình dạng là cái nón đội trên đầu. Màu trắng hướng đến góc nhìn thông tin, dữ kiện chính xác. Màu đen hướng đến góc nhìn thận trọng, rủi ro. Màu xanh lá hướng đến góc nhìn của ý tưởng, của sáng tạo. Màu vàng hướng đến góc nhìn tích cực, lạc quan. Màu đỏ hướng đến góc nhìn của cảm xúc và màu lam hướng đến góc nhìn trầm tĩnh để tổng hợp lại các màu trên. Dựa trên phương pháp tư duy này thì các màu sắc sẽ bổ trợ cho nhau tạo ra một góc nhìn hoàn thiện hơn.

Màu sắc là món quà tự nhiên mà tạo hóa ban tặng, nếu dành riêng một màu nào đó cho một quốc gia hay một chủ thuyết thì có thể chúng ta đang bất công với chính suy nghĩ của mình. Sự vô tình hay cố ý yêu-ghét một màu nào đó dựa trên sự áp đặt của lý trí thì một cách nào đó chúng ta cũng đang tự giới hạn cảm xúc và khả năng hành động của mình trước một sự việc.

Yêu- ghét thì cuối cùng cũng chỉ là thái độ cá nhân trước một tổng thể. Điều chúng ta cần làm là xây dựng một cộng đồng chung, nơi mọi người có thể tự do chọn màu sắc mình yêu thích mà không bị giới hạn bởi lý trí, nơi mà mọi người chấp nhận những màu sắc khác biệt trong sự cảm thông. Nếu chúng ta bắt đầu bằng thái độ triệt tiêu lẫn nhau thì chúng ta sẽ mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn do chính chúng ta tạo ra và bức tranh mà chúng ta muốn vẽ chỉ mãi là những gam màu mờ ảo. Không quan trọng bạn chọn màu gì nhưng quan trọng bạn mang theo màu đó với tinh thần và ý niệm thế nào?

Paulo Thành Nguyễn

18.1.2013

Bình luận về bài viết này