Paulo Thành Nguyễn

Những điều tôi nghĩ…

Sợ Người Hơn Ta

Bình luận về bài viết này

A

D

Sợ người khác hơn mình hay ghen tỵ với những điều tốt lành của người khác luôn là một căn bệnh thuộc vào hạng nan y trong kiếp sống của mỗi người chúng ta. Kể từ khi có ý thức cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, mỗi người phải chiến đấu với căn bệnh trầm kha này, bởi nếu không thì ta sẽ phá huỷ hết mọi thứ nơi cuộc sống không chỉ của người khác mà còn cả của chính mình. Sự phá huỷ này nó bắt nguồn từ một khát vọng chẳng mấy tốt lành gì nếu xét trên bình diện tiêu cực: muốn được hơn người khác về mọi phương diện. Chính vì muốn hơn người, nên ta luôn cảm thấy rất khó chịu khi ai đó xung quanh ta hơn ta về một mặt nào đó. Từ nỗi sợ này, ta chuyển sang thái độ thù nghịch và thậm chí làm hại anh em nếu ta mất tỉnh táo và kiểm soát.

Hơn về phương diện vật chất: Thấy người khác nhà cao cửa rộng, xe hơi sang trọng, các đồ họ sử dụng giá trị lớn hơn mình, nhiều người nảy sinh ý chê bai, khinh miệt, xét đoán, và thậm chí nể phục. Dù dưới hình thức nào thì đó luôn là một thái độ của lòng ghen tỵ. Ta cảm thấy có gì đó thua thiệt người ta, nên thay vì nỗ lực để vươn đến một cuộc sống tốt hơn thì ta lại dùng năng lượng ấy để ngày đêm nhận chìm mình vào hố sâu của sự ghen tỵ, sợ hãi, và mặc cảm. Nếu bạn đang bị nô lệ cho tính xấu này thì xin hãy tỉnh táo để nhận thức rằng vật chất chỉ là những thứ bề ngoài bóng bẩy, nó chẳng nói lên được điều gì ngoài chuyện giá trị đồng tiền người ta bỏ ra để có nó, nó cũng chỉ là phương tiện để phục vụ cho chủ nhân của nó, và ta hoàn toàn có thể có được những điều ấy nếu ta muốn và thật sự nghiêm túc làm việc và tích luỹ đủ hầu bao. Còn nếu vì lý do nào đó mà ta nghĩ cả đời sẽ không có được, thì cũng hãy biết rằng tất cả những thứ ấy chỉ là phù vân và rồi sẽ đi qua, ta không thể mang nó theo khi ta nhắm mắt xuôi tay được, điều quan trọng là ta thấy mình thật sự thoải mái, bình an, và hài lòng với điều ta đang có.

Hơn về phương diện sắc đẹp và địa vị xã hội: Gặp một người nhìn bề ngoài họ có vẻ đẹp nào khiến ta ngưỡng mộ và thấy họ có một chút địa vị nào đó trong xã hội, ta dễ có xu hướng so sánh với chính bản thân mình hay so họ với người anh em của mình. Đây là một hình thức của sự ghen tỵ và sợ hãi. Bởi đẹp bề ngoài hay địa vị xã hội cũng chưa nói lên được con người thật của người đang sở hữu những điều khiến ta sợ hãi. Ta sợ họ hơn ta bởi vì ta đang tự thấy mình không có giá trị gì trong khi mỗi người đều có một giá trị lớn lao nhằm tạo nên giá trị chung của nhân loại này. Nếu ta tự thấy mình có diện mạo không đẹp gì lắm và sợ hãi, điều này chứng tỏ rằng ta không phải là người có đời sống tâm hồn đẹp đủ, trong khi vẻ đẹp đích thực của một con người hệ tại ở sự phong phú và nhạy bén trong tâm hồn chứ không phải bởi vẻ hào nhoáng bề ngoài. Cũng thế, địa vị xã hội cũng chỉ là hình thức tạm thời chứ không nói hết được họ thật sự là, có khi họ chỉ có chiếc ghế này hay chức vụ này nọ. Hãy biết rằng, ở vị trí ấy họ có sứ mạng và trọng trách của họ, ta có sứ mạng và trọng trách của ta trong xã hội này, miễn là ta luôn biết phấn đấu để vươn lên như căn tính thật của mỗi người chúng ta là càng thêm tuổi càng phải thêm gía trị cho đời hơn.

Hơn về phương diện tri thức: Gặp gỡ và kết thân với một người có tri thức uyên thâm và phong phú, ta sẽ được nhiều lợi ích hơn là ghen tỵ với sự hiểu biết của họ. Thế nhưng, trên thực tế lại có một sự ngấm ngầm ghen tương và sợ hãi trong trái tim mỗi người chúng ta khi tiếp xúc và làm việc với người mà ta thấy họ hơn ta nhiều quá. Cũng cần biết, mọi sự sợ hãi đều bắt nguồn từ một nguyên nhân căn bản – ta không biết điều chưa xảy ra và thấy mình không đủ năng lực để kiểm soát cái nguyên nhân làm ta sợ. Nghĩa là một mặt ta thích sống và làm việc với người học cao hiểu rộng, song mặt khác ta sợ chính cái sự cao rộng ấy tố cáo chính sự lười biếng và kém cỏi nơi ta. Lẽ ra ta cần nhìn thấy họ để học theo và vươn lên thì ta lại tự ti mặc cảm và sợ hãi là họ biết mình dốt, nói cách khác là giấu dốt. Và ta cũng đồng thời sợ rằng, nếu họ hiểu biết hơn thì họ sẽ làm chủ cuộc sống không chỉ của họ mà cả của bản thân ta, mà theo bản chất tự nhiên ta chẳng muốn bị ai làm chủ cuộc sống của mình. Từ sự sợ hãi và ghen tỵ này, chúng ta tự đẩy mình vào trong hố sâu của sự dốt hoài ngàn năm và thụt lùi mãi thiên thu bằng cách triệt hạ uy tín, danh dự, và thậm chí cả tính mạng của người mà ta biết họ tài đức trổi vượt hơn ta.

Khi đối diện với phiên toà xử tử vì lòng ghen tỵ của những nhà cầm quyền đương đại tại Hy Lạp, triết gia lỗi lạc Socrates đã dõng dạc tuyên bố với tất cả những ai đang tham dự phiên toà xét xử ấy thế này: “Tôi có vài điều nữa cần nói với tất cả mọi người và những điều tôi nói đây sẽ khiến mọi người phải thét lên; nhưng tôi tin rằng thật là tốt đẹp biết bao khi mọi người nghe lời tôi, và do đó tôi xin mọi người đừng gào thét lên làm gì. Hẳn là mọi người biết rằng, nếu giết một người như tôi thì chính mọi người làm tổn thương mọi người hơn là tổn thương bản thân tôi. Không có gì có thể làm tổn thương tôi, không phải Meletus cũng không phải Anytus (những kẻ chủ xử tử Socrates thời ấy) – họ không thể, bởi vì một kẻ xấu thì không được phép để làm tổn thương một người tốt hơn kẻ ấy.” Đây là thái độ của bậc chính nhân quân tử nói chuyện với hàng tiểu nhân chỉ biết ghen tương, đố kỵ, và sợ hãi người khác hơn mình về mọi mặt. Cũng vậy, mỗi người chúng ta cũng cần học biết cách nhận ra giá trị bản thân, xây dựng cuộc sống của mình nên hoàn hảo mỗi ngày một hơn, hơn là hoài công mất sức cho chuyện đi xét đoán và ghen tương với người khác chỉ vì ta tự nhận họ hơn mình bằng chính thái độ mình thể hiện ra. Vì làm thế không những ta chẳng được gì mà trái lại còn làm tổn thương chính bản thân mình.

Joseph C. Pham

http://muoianhsang.com/so-nguoi-hon-ta/

Bình luận về bài viết này